Con gái diễn viên Lê Phương mới 4 tuổi đã cao 113cm
Bé Bông, con gái của nữ diễn viên Lê Phương đã hơn 4 tuổi. Cô bé xinh xắn, đáng yêu, thừa hưởng nhiều nét đẹp của cả bố lẫn mẹ. Nữ diễn viên chia sẻ con gái rất tình cảm, ngoan ngoãn và hiểu chuyện, dù còn nhỏ nhưng đã biết quan sát rất tinh tế, để ý và quan tâm, lo lắng cho mẹ cũng như mọi người trong gia đình.
Mới đây, Lê Phương khiến các fan bất ngờ khi khoe con gái mới nhỏ tuổi nhưng sở hữu chiều cao đáng ngưỡng mộ. Cô viết: "Đây là út Bông, 4 tuổi 2 tháng cao 1m13". Trong ảnh, cô bé Bông sở hữu đôi chân dài, dáng người dong dỏng và rất đáng yêu.
Theo bảng chiều cao của WHO cho trẻ từ 0-10 tuổi, trẻ gái 4 tuổi sẽ có chiều cao trung bình khoảng 102cm và sẽ đạt 113cm vào thời điểm 5,5 đến 6 tuổi. Như vậy, có thể thấy con gái Lê Phương sở hữu chiều cao tốt, vượt mốc trung bình.
Nhiều fan khen ngợi và nhận xét cô bé được thừa hưởng gen từ bố lẫn mẹ. Bên cạnh đó, cách chăm sóc bé cũng ảnh hưởng không ít đến sự phát triển chiều cao.
Lê Phương và con gái
Một số yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
1. Lúc chào đời
Hoàn cảnh khi một em bé chào đời tương đương với vạch xuất phát. Một em bé đủ tháng khỏe mạnh nặng khoảng 3,2kg và dài khoảng 50cm khi chào đời.
Trong y học, có một kiểu em bé gọi là "nhỏ bé so với tuổi thai". Đối với các bé này, cân nặng hoặc chiều cao khi sinh của bé thấp hơn đáng kể so với giá trị tham chiếu bình thường của cùng một thai kỳ.
Nếu bác sĩ không đề cập đến "nhỏ so với tuổi thai" trong hồ sơ xuất viện, con bạn không cần lo lắng về điều này.
2. Tình trạng sức khỏe
Có một số căn bệnh ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ như trẻ hấp thụ kém các chất dinh dưỡng, trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, trẻ tiêu thụ quá mức một số thực phẩm gây hại... Điều này có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, bị bệnh nội tiết... Lúc này, phải điều trị tình trạng bệnh tật trước mới tính đến chiều cao.
3. Tốc độ tăng trưởng hàng năm
Dưới 3 tuổi, hầu hết trẻ sẽ phải khám sức khỏe định kỳ, nếu phát hiện trẻ chậm phát triển về chiều cao và cân nặng thì bác sĩ sẽ có những phương hướng điều trị kịp thời.
Sau 3 tuổi và trước tuổi dậy thì, tốc độ tăng trưởng hàng năm của trẻ là 5-7cm, <5cm và >7cm đều là bất thường, cần được can thiệp y tế.
4. Tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao. Vậy những dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang bước vào tuổi dậy thì, chiều cao tăng trưởng nhanh?
Ngực của bé gái bắt đầu to lên và tinh hoàn của bé trai bắt đầu to ra. Nếu bé gái dậy thì trước 8 tuổi và bé trai dậy thì trước 9 tuổi được coi là dậy thì sớm, có nguy cơ gây cản trở đến chiều cao.
Vì vậy, nếu sự tăng trưởng và phát triển của trẻ không được theo dõi thường xuyên, hãy đưa bé gái đến bệnh viện để đánh giá trước và sau sinh nhật 8 tuổi, 9 tuổi đối với bé trai.
Làm sao giúp trẻ phát triển được chiều cao tối ưu?
1. Dinh dưỡng
- Đừng để trẻ thiếu vi chất như sắt, kẽm, canxi, vitamin D và acid folic lúc mẹ mang thai.
- Đừng để mẹ thừa cân béo phì trước mang thai vì khi đó người mẹ sẽ có nguy cơ tăng cân quá mức lúc mang thai và trẻ sinh ra có nguy cơ thừa cân béo phì sau 2 tuổi. Thừa cân béo phì ở độ tuổi này có liên quan đến dậy thì sớm và giảm tăng trưởng chiều cao khi trưởng thành ở trẻ.
- Đừng để thiếu dinh dưỡng hoặc thiếu cân lúc mang thai vì nó dễ dẫn đến nguy cơ sinh non hoặc thai sinh nhỏ. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng bắt nhịp tăng trưởng của trẻ khi sinh ra.
- Trẻ nên được bú sữa mẹ sớm sau sinh và duy trì lâu nhất có thể.
- Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm từ 6 tháng tuổi, giúp trẻ phát triển hành vi ăn uống đa dạng và đúng cấu trúc thức ăn trước 18 tháng tuổi. Khi các kỹ năng này phát triển theo đúng tiến độ thì trẻ sẽ phát triển hành vi ăn uống đúng sau 3 tuổi, và trẻ cũng ít biếng ăn và khi đó cơ thể trẻ sẽ tự lấy đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
- Trẻ nên có chế độ ăn đa dạng đủ các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm, chất béo omega-3... Bổ sung vitamin D 400IU/ngày cho trẻ dưới 5 tuổi.
- Tránh các nguy cơ làm trẻ tiêu chảy.
2. Giấc ngủ
- Mẹ lúc mang thai nên tránh sử dụng điện thoại trước giờ ngủ 1 tiếng và thiết lập thói quen ngủ sớm, tránh thức khuya, giảm sử dụng các chất kích thích như trà, cafe hoặc bia rượu.
- Trẻ mới sinh đến 5 tháng tuổi bú sữa như 1 nhu cầu cơ bản. Do đó cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu. Lúc này giấc ngủ của trẻ có thể gián đoạn do trẻ cần bú mỗi 2-4 tiếng.
- Sau 5 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu ngủ xuyên đêm. Nếu trẻ khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, có thể không cần cữ đêm và khuya. Phần lớn các cữ bú này chỉ là thói quen do trẻ chưa phân biệt rõ ngày đêm, không hẳn là đòi bú cơ bản. Bạn có thể cắt các cữ này về gần sáng để trẻ có giấc ngủ dài và tốt hơn.
- Trẻ nên sớm thiết lập lịch ngủ từ 12 tháng tuổi. Bạn nên tạo giờ ngủ cụ thể, thời gian hugging time trước giờ ngủ 20 phút. Giờ lên giường cho hugging time: cha hoặc mẹ cùng bé có hoạt động trên giường như đọc sách, vui chơi, nói chuyện... không nên có các hoạt động liên quan đến màn hình điện tử.
- Trẻ sau 3 tuổi nên cho trẻ biết rõ ràng về luật ngủ.
- Trẻ nên ngưng các thiết bị điện tử có màn hình trước giờ ngủ ít nhất 2 tiếng.
3. Vận động
- Trẻ được khuyến khích có lối sống năng động, tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời như đi dạo công viên, chơi vận động tăng tương tác xã hội... Điều này giúp tăng các hoạt động thăng bằng và sử dụng các cơ để thúc đẩy sự tăng trưởng chiều cao. Bé từ 5 tuổi có thể tham gia 1 môn thể thao như chơi bóng, bơi lội... khoảng 2 buổi/tuần và 2 buổi cách nhau 3 ngày, mỗi buổi không quá 45 phút.
4. Xây dựng môi trường yêu thương và không khí vui vẻ trong gia đình
- Nghiên cứu tại Anh cho thấy những đứa trẻ thường xuyên sống trong môi trường căng thẳng có ít hormone tăng trưởng hơn và phát triển chậm hơn các trẻ khác.
- Do đó, tránh đánh mắng trẻ, nên dùng thái độ vui vẻ, khuyến khích trẻ trò chuyện, chia sẻ và tham gia đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động. Hãy luôn tạo bầu không khí thoải mái và vui vẻ trong gia đình, không chỉ để gắn kết tình cảm mà còn giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét