Sau giờ làm bố mẹ muốn nghỉ ngơi lướt mạng con lại đòi bố mẹ chơi cùng? Chuyên gia gợi ý cách "vẹn cả đôi đường"
Kỳ nghỉ hè là dịp để trẻ nghỉ ngơi sau thời gian học tập chăm chỉ, tuy vậy đây niềm vui của trẻ nhưng vô tình đặt thách thức lên bố mẹ. Mặc dù trẻ giảm thời gian học tập, nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải đối mặt với các vấn đề của cuộc sống hàng ngày và tiếp tục làm việc.
Bố mẹ vẫn phải đảm đương nhiều trách nhiệm khác nhau, phải vừa lo công việc, vừa sắp xếp thời gian để chăm sóc, vui chơi cùng con nhiều hơn. Điều này đôi khi gây ra áp lực, khiến phụ huynh cảm thấy mất cân bằng giữa các vai trò.
Thậm chí nhiều phụ huynh phải xin nghỉ phép một thời gian để chăm sóc con, số khác vẫn muốn duy trì thói quen sống hàng ngày, vì vậy bắt buộc phụ huynh phải tìm ra cách cân bằng cho phù hợp, giữa việc dành thời gian cho bản thân và chăm sóc con.
Ảnh minh họa.
Chị Thu Thủy (Quận 4, Tp.HCM) cho biết, thời điểm này các trường học đều nghỉ một thời gian, trong khi đó ông bà đã lớn tuổi và ở xa nên khó di chuyển vào phụ giúp chăm cháu. Vì vậy, tôi bàn với chồng xin nghỉ phép vài hôm cùng nhau thay phiên chăm hai con nhỏ.
Trong thời gian đó, tôi hối hả tìm bảo mẫu chăm sóc cháu theo giờ tại nhà, điều này lại vô tình làm phát sinh thêm khoản chi tiêu trong gia đình. Thêm vào đó, thời gian tôi dành riêng cho bản thân để thư giãn cũng giảm đi.
Trước những băn khoăn của phụ huynh, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng chi đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp bố mẹ cân bằng tốt giữa việc chăm sóc con cái, cũng như dành thời gian cho bản thân, công việc tốt. Bố mẹ có thể tham khảo để có quyết định phù hợp cho hoàn cảnh gia đình mình.
Thưa chuyên gia, mặc dù trẻ nghỉ hè nhưng phụ huynh vẫn phải làm việc, đối mặt với những vẫn đề của cuộc sống, vậy bố mẹ nên tận dụng thời gian này để gần gũi với con hay dành thời gian cho bản thân?
Thực tế, trẻ được nghỉ nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm, và công việc thì không thể cứ muốn nghỉ là nghỉ. Mặc dù rất nhiều phụ huynh muốn dành thời gian cho con nhưng vì tính chất công việc nên không được như ý muốn của mình.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể sắp xếp để mỗi ngày dành ít nhất 30 phút cùng con, tìm những hoạt động phù hợp để đăng ký cho con tham gia, sau đó cùng con trao đổi về những trải nghiệm, cảm xúc và bài học con có được sau khi tham gia những trải nghiệm ấy.
Con cái chúng ta lớn mỗi ngày và không phải lúc nào cũng muốn bố mẹ bên cạnh nên cố gắng sắp xếp để tận hưởng cùng con khoảng thời gian này cũng rất xứng đáng.
Nhiều trường hợp phụ hyuynh dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, xem YouTube, Tiktok mà vô tình làm giảm thời gian chơi với con, thói quen này ảnh hưởng đến trẻ thế nào? Bố mẹ nên phân bổ thời gian thế nào để cân bằng?
Mỗi chúng ta có quyền được sống cuộc sống và làm việc với sở thích riêng của mình. Tuy nhiên, khi chúng ta có những vai trò, chúng ta có những nghĩa vụ đi kèm. Đặc biệt khi đó là vai trò làm bố mẹ.
Ai cũng biết MXH có một sự hấp dẫn nhất định với tất cả mọi người, nhưng với vai trò là bố mẹ thì dành thời gian cho con cái là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ gắn bó bố mẹ - con cái, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển về nhận thức, tinh thần của các con.
Việc thiếu thốn sự quan tâm của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con cái, buộc con phải quá độc lập, không được dạy dỗ những điều hay lẽ phải, không cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ bố mẹ sẽ khiến các con giảm giá trị của chính mình, không có nhiều sự tự tin khám phá thế giới bên ngoài và kết nối với những người khác bên ngoài gia đình.
Do đó, dù MXH có hấp dẫn đến đâu thì bố mẹ cũng cần có sự kiểm soát hành vi sử dụng thiết bị để truy cập vào các MXH này, để có thêm thời gian chơi cùng con, học cùng con và khám phá thế giới cùng con.
Hơn thế nữa, việc bố mẹ tham gia quá nhiều vào MXH cũng khiến con cái học theo và có thể dẫn đến việc phụ thuộc vào thiết bị công nghệ và mạng internet, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội của bé.
Vậy bố mẹ nên làm gì để giảm bớt lo âu cũng như để con có được kỳ nghỉ hè ý nghĩa?
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không thể có một cách thức chung vận dụng được cho tất cả bố mẹ. Tuy nhiên, tuỳ vào điều kiện gia đình thì các bố mẹ có thể cân nhắc lựa chọn một số hoạt động cho con: cho con về thăm ông bà nội/ ngoại một vài tuần, cho tham gia trại hè, chương trình học thể dục thể thao hay các lớp năng khiếu: nhạc, hoạ.
Mua thêm sách, mua những đồ chơi tương tác để các con chơi với nhau và chơi với các bạn hàng xóm, đi du lịch hè,… Trong đó, bố mẹ cố gắng sắp xếp có khoảng 1 giờ mỗi ngày hay ngày cuối tuần cùng với con đi chơi, đi khám phá hoạt động nào đó.
Thiết kế một số hoạt động ở nhà bằng đồ chơi tự chế, đưa ra những thử thách cho con. Ví dụ: thử thách một ngày dọn dẹp kệ sách, dọn dẹp tủ quần áo, dọn dẹp tủ giày, thu thập những vật phẩm nào đó được giấu ở các vị trí trong nhà,… Bố mẹ có thể luân phiên nghỉ phép để có thể đưa con đi nhà sách, đi hồ bơi,…
Hoặc hẹn với các bố mẹ khác cùng lớp của con để có các ngày hẹn hò cho các con chơi chung với nhau mà chỉ cần một phụ huynh của các bé trông nom chung các bé thôi. Điều này cũng giúp các con có khoảng thời gian vui vẻ cùng nhau mà bố mẹ đỡ lo lắng không biết phải trông con như thế nào.
Chuyên gia có thể gợi ý những hoạt động hữu ích bố mẹ có thể tham gia cùng con không chỉ là kỳ nghỉ hè, mà cả khi có thời gian?
Thường thì nếu có thời gian các ba mẹ nên dẫn con cái đi đây đi đó để biết thêm những nơi khác nhau để biết rằng người dân ở vùng nào đó sinh sống như thế nào, làm nhà ra sao, món ăn và hoạt động văn hoá đặc trưng ở nơi đó thế nào, danh lam thắng cảnh ra sao, động thực vật ở vùng đó có gì đặc biệt so với nơi khác.
Những hoạt động nhu thế sẽ giúp con có thêm tầm nhìn rộng mở, có sự so sánh, phân tích và hiểu được thế giới rộng lớn, đa dạng và kích thích sự ham học hỏi, khám phá ở con.
Bố mẹ cũng có thể đưa con đi chơi gần nhà nếu không có nhiều thời gian hay tài chính: đi nhà sách, thư viện, công viên, bảo tàng, quán cà phê chó mèo, trung tâm bảo trợ xã hội, làng trẻ sos, hội chợ, triển lãm,… để tìm hiểu về văn hoá địa phương, tiếp cận văn hoá đọc, tìm hiểu về cái đẹp, yêu thương và hỗ trợ cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn,…
Bố mẹ cũng có thể cùng con lên kế hoạch kinh doanh một món đồ nào đó để gây quỹ, cùng con làm việc thiện nguyện,…Còn thường xuyên hơn thì dành thời gian kể chuyện ngày xưa của bố mẹ, dạy con làm và chơi những đồ chơi truyền thống mang tính tương tác hoặc sử dụng các board game hiện đại để tăng tính kết nối.
Bố mẹ cũng cùng với con tổ chức những ngày tổng vệ sinh nhà ở để giúp các con biết trân trọng sức lao động và yêu thích giữ gìn sạch sẽ không gian chung của gia đình và không gian riêng của con. Việc cùng lao động cũng giúp các con gắn kết hơn với lao động và với bố mẹ.
Cả nhà có thể cùng lên thực đơn mua sắm cho cả tuần để cùng nhau đi siêu thị và mua sắm, học cách quản lý tài chính. Cùng nhau đi xem phim hoặc mở rạp phim tại nhà, cả nhà cùng xem phim với nhau.
Những dịp kỷ niệm quan trọng của gia đình thì có thể tổ chức mini show hát hò, biểu diễn văn nghệ cây nhà lá vườn để các con thể hiện tài năng âm nhạc,…Như vậy, có nhiều hoạt động mà bố mẹ có thể làm cùng con, chỉ cần chúng ta thấy cần thiết và để tâm vào suy nghĩ thì sẽ ra trò để chơi với con, vừa tăng kết nối, vừa giúp con thêm tự tin, thêm kiến thức, thêm mối quan hệ.
Lựa chọn bố mẹ đưa ra sẽ quyết định ý nghĩa kỳ nghỉ hè của con trẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét