Liên thông đơn thuốc điện tử còn chậm
Hệ thống đơn thuốc điện tử được triển khai với mục tiêu đề ra sẽ có một hệ thống khép kín trên toàn quốc đối với đơn thuốc điện tử, tránh việc mua thuốc tràn lan, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Thế nhưng đến nay việc mua thuốc theo đơn điện tử đối với nhiều người dân vẫn còn lạ lẫm, việc mua thuốc kê đơn vẫn dễ như "mua rau".
Đơn thuốc điện tử vẫn còn "lạ"
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều người bệnh và nhà thuốc vẫn còn lạ lẫm khi nhắc đến đơn thuốc điện tử. Chị H. (Hà Nội) nói chưa biết đơn thuốc điện tử là gì, chỉ thấy bác sĩ đưa cho chị đơn thuốc in để mua.
Trong đơn thuốc của chị H. có dòng chữa "mã đơn thuốc", tuy nhiên chị không để ý, cũng không nghe ai hướng dẫn có thể dùng mã đơn thuốc để mua thuốc tại hiệu thuốc.
Hay tình trạng không cần đơn thuốc, người bệnh chỉ cần ra hiệu thuốc, đọc triệu chứng sẽ được bán thuốc, trong đó có không ít những loại thuốc kê đơn của bác sĩ. Thậm chí, người bệnh có thể mua một đơn thuốc rất nhiều lần tại một hoặc nhiều nhà thuốc.
Chính tình trạng mua thuốc kê đơn dễ dàng khiến nước ta đang đứng trước mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng kháng kháng sinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng tại Việt Nam.
Kháng sinh chiếm tới 50% các thuốc dùng cho người và thông thường được bán tại các nhà thuốc cộng đồng và có tới 88 - 97% các nhà thuốc kê kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ.
Nhiều nhà thuốc "chưa hay"
Năm 2019, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát quản lý đơn thuốc điện tử.
Theo lộ trình, các cơ sở y tế phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 31-12-2022 và các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải triển khai kê đơn thuốc điện tử trước ngày 30-6-2023. Các cơ sở bán lẻ thuốc cũng phải thực hiện bán thuốc theo đơn.
Theo ghi nhận tại một số hiệu thuốc ở Hà Nội, anh L. - chủ hiệu thuốc tại huyện Ứng Hòa - cho hay vẫn bán theo đơn thuốc người dân cầm đến. "Tôi cũng có lần nghe đến Hệ thống đơn thuốc quốc gia nhưng không để ý lắm. Các hiệu thuốc cũng chưa bắt buộc phải bán thuốc theo đơn trên hệ thống này nên tôi không quan tâm nhiều", anh L. nói.
Tại TP.HCM nhiều tiệm thuốc vẫn chưa tiếp nhận đơn thuốc điện tử và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Tại hai tiệm thuốc lớn M.C. 5 trên đường Nguyễn Thị Búp và M.C. 9 trên đường Trương Thị Hoa (quận 12), khi khách hàng đề nghị nhập mã đơn thuốc được một bệnh viện hạng 1 kê để mua thuốc thì nhân viên tại quầy thông báo nhà thuốc chưa tiếp nhận đơn thuốc điện tử.
Một số tiệm thuốc nhỏ lẻ khác còn chưa trang bị máy tính. Nhìn mã đơn thuốc khách hàng cung cấp, dược sĩ tại tiệm thuốc M.C. 5 ngỡ ngàng hỏi: "Mã này là mã nào? Bây giờ trên đơn thuốc đã có sẵn các loại thuốc thì anh sẽ bán cho, nhưng không có y hệt thuốc như này mà chỉ có thành phần thuốc giống".
Một dược sĩ tại tiệm thuốc ở quận Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ mình có nắm quy định yêu cầu tất cả các nhà thuốc phải tiếp nhận đơn thuốc điện tử, nhưng hiện tại tiệm thuốc nơi anh làm việc vẫn bán thuốc cho người dân theo toa thuốc có chữ ký bác sĩ. Thông tin khách hàng được dược sĩ đánh máy lưu trên hệ thống nhà thuốc.
Trong khi đó, vào cuối tháng 6-2022, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các nhà thuốc thực hiện việc tiếp nhận đơn thuốc điện tử và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Qua thực tế ghi nhận cho thấy đến thời điểm hiện tại việc này vẫn còn bỏ ngỏ.
Đã đồng bộ dữ liệu, hoàn toàn miễn phí
Đại diện Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng do các nhà thuốc chưa được tập huấn nên xảy ra tình trạng trên. Vị này cho hay hiện cả nước có khoảng 45 đơn vị cung cấp ứng dụng bán thuốc tại các nhà thuốc.
Có hai tiêu chí kỹ thuật cho các nhà cung cấp phần mềm phải làm, đó là phải kết nối liên thông dữ liệu lên Cục Quản lý dược và phải kết nối liên thông lên Hệ thống đơn thuốc điện tử mới được cấp phép cung cấp dịch vụ cho nhà thuốc. Bộ Y tế đã có quyết định để mở dữ liệu đồng bộ, những công ty cung cấp phần mềm không phải trả chi phí cho việc đồng bộ dữ liệu này.
"Có thể một số công ty đang làm sai, yêu cầu nhà thuốc là cần phải tốn tiền để mở thêm chức năng mới có thể đón đơn thuốc điện tử. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm của các công ty này mới có đủ điều kiện để cung cấp phần mềm trong quản lý bán thuốc", vị này thông tin.
Vị này cũng cho rằng tình trạng chậm thực hiện đơn thuốc điện tử quốc gia cũng do nhiều đơn vị chưa được tập huấn, truyền thông cụ thể. Các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc cần được tập huấn để đưa vào thực hiện.
Bệnh viện đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ
Theo thống kê trên hệ thống, tính đến nay đã có 17 bệnh viện tuyến trung ương, hơn 9.600 cơ sở khám chữa bệnh đã đăng ký đơn thuốc điện tử; hơn 90.000 người kê thuốc đã đăng ký mã liên thông.
Theo thống kê của hệ thống, hiện đa phần các bệnh viện đã đẩy đơn thuốc lên Hệ thống đơn thuốc điện tử quốc gia, tuy nhiên còn chưa đầy đủ.
Nhận xét
Đăng nhận xét