Dạy con biết chia sẻ
Không ít phụ huynh nghĩ rằng, đó chỉ là vấn đề nhỏ. Thực tế, tính cách đó ảnh hưởng khá nhiều trong việc hình thành nhân cách và lối sống của trẻ sau này.
Dù là do yếu tố bẩm sinh hay sự giáo dục chưa đúng đắn đến từ phía gia đình hoặc nhà trường, việc hình thành cho trẻ biết yêu thương và sẻ chia là điều vô cùng cần thiết.
Yếu tố cần thiết
Thực tế, tính cách của các bé sẽ một phần do yếu tố bẩm sinh và còn lại là từ sự rèn luyện, định hướng dạy dỗ bởi cha mẹ hay thầy cô. Dạy trẻ kỹ năng quan tâm yêu thương và biết chia sẻ với mọi người xung quanh là một điều vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Chúng ta đều biết rằng, trong cuộc sống không thể thiếu tình yêu. Bởi, đây là yếu tố tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của các bé sau này, để bước đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Ông bố bà mẹ nào cũng muốn con được hạnh phúc. Do đó, họ cố gắng thực hiện dạy con biết yêu thương thật tốt. Trong đó, hiệu quả nhất là thông qua việc hướng dẫn, dạy dỗ trẻ bằng chính tình yêu, sự kiên trì và nỗ lực từng ngày.
Việc nhận được tình yêu thương từ những người thân trong gia đình sẽ giúp bé hình thành tâm lý được bảo vệ, cảm thấy yên tâm hơn để tập trung phát triển tốt những phương diện trí tuệ, thể chất và nhiều thứ khác nữa. Cũng từ đây, góp phần giúp bé hoàn thiện bản thân trở nên tự tin thể hiện trước mọi người hơn.
“Khi con trai tôi được 11 tuổi, cậu bé gọi điện cho tôi trong giờ làm việc và nói: ‘Hôm nay mẹ có thể về sớm được không? Ở nhà có món này ngon lắm’. Tôi nói được, nhưng cuối cùng lại xong việc muộn. Lúc về đến nhà thì đã là 9 giờ tối, con trai tôi đã đi ngủ.
Khi bước vào nhà bếp, mẹ tôi nói: ‘Con dạy bảo thằng bé rất tốt. Hôm nay, mẹ nấu món ngon, nhưng thằng bé chỉ ăn một ít và phần lại cho con’”, chị Trần Mai Chi (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Nữ phụ huynh cho biết, ngày hôm đó, chị đã được thưởng thức một món ăn ngon nhất. Theo chị Mai Chi cho biết, ngay từ khi con còn nhỏ, gia đình đã dạy bé biết quan tâm, yêu thương và chia sẻ với những người xung quanh.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục, CEO Công ty CP Tiềm năng vô hạn UPO Lê Đặng Minh Nhật cho biết: “Để hình dung dễ dàng hơn về tầm quan trọng khi trẻ biết yêu thương chia sẻ, hãy tưởng tượng đến các bạn nhỏ gặp vấn đề về việc bộc lộ cảm xúc như: Trẻ rối loạn phổ tự kỷ, trẻ rối loạn cảm xúc và hành vi, rối loạn ngôn ngữ… Chẳng ai mong muốn con em mình sẽ trở thành một em bé vô cảm, sống thờ ơ và không biết quan tâm tới những người xung quanh hay ngay cả người thân trong gia đình”.
Theo chuyên gia, điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc hình thành nhân cách và lối sống của các con sau này. Dù là do yếu tố bẩm sinh hay sự giáo dục chưa đúng đắn đến từ phía gia đình hoặc nhà trường, việc hình thành cho trẻ biết yêu thương và sẻ chia là điều vô cùng cần thiết.
Chuyên gia Minh Nhật nhấn mạnh, tình yêu thương có sức mạnh cảm hóa con người. Do đó, nếu cha mẹ dành hết tình yêu để dạy dỗ, chỉ bảo bé, chắc chắn chúng sẽ dùng tình yêu ấy để báo đáp lại. Khi trẻ nhận được tình yêu thương từ những người thân trong gia đình, bé sẽ dần hình thành tâm lý được bảo vệ, cảm thấy yên tâm hơn để tập trung phát triển tốt những phương diện trí tuệ, thể chất và nhiều thứ khác nữa. Từ đó, góp phần giúp bé hoàn thiện bản thân xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng tốt hơn.
Bí quyết giúp trẻ biết sẻ chia
Trong khi đó, giáo viên kỹ năng sống Trần Ngọc Ánh tại Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara cho biết, một trong những kỹ năng sống quan trọng là biết cách sẻ chia. Đây là bài học cuộc sống cha mẹ cần dạy trẻ càng sớm càng tốt. Khi còn nhỏ, trẻ sẽ thích nghi với nó dễ dàng hơn và sử dụng trong suốt cuộc đời. Chia sẻ sẽ giúp trẻ kết bạn tại sân chơi hay trường học, cũng như đem lại lợi ích khi trẻ trưởng thành và đi làm.
Về một số bí quyết có thể giúp trẻ chia sẻ, giáo viên Ngọc Ánh cho biết, cha mẹ và trẻ có thể cùng nhau tham gia trò chơi xoay vòng. Bởi, xoay vòng là một cách tuyệt vời để khuyến khích trẻ tương tác với người khác một cách công bằng. Thực hành trò chơi xoay vòng tại nhà có thói quen chia sẻ với những người khác, góp phần phát triển kỹ năng sống cho bé.
Ví dụ, khi có một con gấu bông, các thành viên trong gia đình hãy thực hành một trò chơi. Cụ thể, hãy lần lượt truyền tay con gấu bông cho từng người. Khi đến tay, mỗi người hãy nói một điều mình muốn làm với con gấu bông đó. Khi đó, trẻ sẽ học được rằng, nếu chỉ mình sử dụng con gấu bông thì sẽ không thể chăm sóc tốt được tất cả mọi mặt cho nó.
Một yếu tố vô cùng quan trọng khác là phụ huynh hãy khen ngợi con khi thấy trẻ chia sẻ. Bởi, thực tế, trẻ phản ứng tốt nhất với củng cố tích cực. Do đó, phụ huynh hãy ghi nhận những điểm tiến bộ của con, thay vì cố tìm ra những lỗi sai ở đâu để trách mắng.
“Hãy khen ngợi khi trẻ chia sẻ với người khác, cho dù cử chỉ đó nhỏ đến đâu. Phụ huynh có thể khen ngợi trẻ vì nghĩ đến người khác, hay cho cha mẹ một viên kẹo, hoặc tặng một món đồ chơi yêu quý cho em. Điều này góp phần nâng cao kỹ năng sống cho trẻ. Những lời khen ngợi đơn giản này sẽ có hiệu quả trong việc thúc đẩy chia sẻ hơn là khiển trách mỗi khi trẻ không làm được”, nữ giáo viên nhấn mạnh.
Một điều phụ huynh cần lưu ý là không trừng phạt con khi trẻ từ chối chia sẻ. Trẻ không có khái niệm chia sẻ. Trẻ mới biết đi thực sự tin rằng, tất cả mọi thứ trong tầm nhìn là của mình thì sẽ là của mình.
Tuy nhiên, thực tế, không chia sẻ cũng là một hành vi bình thường, ngay cả đối với người lớn. Phụ huynh có thể tưởng tượng và suy nghĩ về cảm xúc nếu phải từ bỏ các món đồ của mình bởi vì người khác muốn có nó. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trẻ em từ chối chia sẻ hoặc giữ các các đồ vật của bé.
Để phát triển kỹ năng sống cho trẻ, trong trường hợp này, phụ huynh cần nói chuyện với con. Ví dụ, khi trẻ có một món đồ chơi đã sở hữu rất lâu rồi và một người bạn đến chơi nhà muốn được dung một chút, nhưng trẻ từ chối. Đầu tiên, phụ huynh cần mô tả cho con biết rằng, trẻ đã vui như thế nào khi chơi với món đồ đó. Sau đó, hãy nói rằng, bạn con cũng muốn có một cơ hội được vui như thế và muốn chơi cùng trẻ. Phụ huynh cũng cần nói rằng, sau khi bạn chơi sẽ tới lượt con dùng món đồ của mình.
Theo giáo viên Ngọc Ánh, nếu cuối cùng, trẻ vẫn không chịu chia sẻ, cha mẹ hãy thừa nhận rằng: Có vẻ như trẻ chưa sẵn sàng chia sẻ. Khi đó, phụ huynh hãy nói, trẻ nên cho cha mẹ biết khi nào con đã sẵn sàng để bạn có thể được cùng chơi.
Trẻ em học tốt nhất từ những gì chúng thấy người lớn làm. Vì vậy, cha mẹ hãy chia sẻ những điều của riêng mình với trẻ. Phụ huynh có thể hỏi: “Con ăn nho không?”. Chia sẻ một vài điều với trẻ. Sau đó, hãy chỉ ra cách cha mẹ thích chia sẻ với con. Điều đó cũng làm cải thiện kỹ năng sống cho trẻ.
Khi chơi trò chơi xây dựng khối, phụ huynh hãy chia sẻ những mảnh ghép của mình với những người khác trong gia đình. Đồng thời, hãy nói với trẻ rằng, nếu không chia sẻ những mảnh ghép thì mô hình của con sẽ không hoàn thành và của bố mẹ cũng thế nếu không nhận được sự chia sẻ từ con.
Một lưu ý là cần tránh ghi nhãn sở hữu. Thông thường, trẻ sẽ la hét khi thấy người khác sử dụng đồ của mình. Một trong những cách tốt nhất để thay đổi thói quen này là không nói những món đồ nào thuộc về ai. Ví dụ: “Đây là chiếc máy bay của con và con là người sở hữu nó. Không ai có thể sử dụng nó tốt hơn con” là những câu nói sẽ làm trẻ không muốn chia sẻ.
“Đối với những gia đình có nhiều trẻ, hãy khuyến khích sở hữu chung chứ không phải là một người duy nhất sở hữu những món đồ cụ thể. Những đứa trẻ sẽ có cảm giác như phải bảo vệ đồ của mình với anh chị em. Thay vì chơi nhiều món đồ chơi một lúc thì cha mẹ có thể sử dụng một món đồ chơi. Đồng thời, hãy để trẻ chơi cùng nhau và tổ chức một hoạt động nhóm để nâng cao kỹ năng sống cho bé”, giáo viên Ngọc Ánh cho biết.
Nhận xét
Đăng nhận xét