Tôi nhận ra mình đã khác sau khi tiêm vắc xin
Hôm ấy là buổi trưa một ngày nắng cuối hạ, tôi đang ngồi ở nhà bỗng có hai cô chú bên trạm y tế xã mang túi thuốc vào và nói tiêm vắc xin COVID-19 cho tôi. Tâm lý tôi khi đó chưa hề chuẩn bị gì hết. Mọi sự hơi ngỡ ngàng và bất ngờ.
Vì tôi là người khuyết tật khó khăn trong việc di chuyển nên được ưu tiên tiêm tại nhà. Nhưng cũng vì thế mà bà tôi sợ sức khỏe không đảm bảo, liệu tiêm vào có gặp phản ứng gì bất thường không. Bà gọi điện hỏi ba thì ba bảo cứ tiêm bình thường không sao cả, vắc xin này là tốt.
Tôi thì không sợ gì. Bởi từ nhỏ đến giờ tôi như quen quá với mũi kim nhọn rồi. Hồi nhỏ vì hay ốm nên tôi đã từng tiêm ngừa viêm gan, bại não... đủ thứ. Rồi lớn xíu nữa là sốt, là mổ, là viêm phổi. Lần nào tới viện cũng không sao tránh khỏi kim và thuốc. Lắm khi tôi thân ái gọi chúng là bạn.
Vậy nên tôi không có gì phản đối chuyện này. Thế là công việc tiến hành. Mũi kim nhọn nhìn tôi như muốn nhắn nhủ điều gì không biết. Chỉ rõ là lúc chú y tá đưa cây kim vào chích tôi nghĩ chắc đau lắm, nhưng mọi thứ diễn ra hoàn toàn trái ngược.
Thuốc chảy vào người tôi êm ru không chút gì gọi là buốt nhói, không bằng kiến cắn. Và đặc biệt là khoảnh khắc ấy diễn ra nhanh tới mức tôi còn nghĩ mình chưa được tiêm. Nhoáng cái đã xong. Mặt ngơ ra tưởng mơ. Hình như thuốc hiếm nên lượng ít? Không phải, chắc là chất lượng mới là quan trọng.
Đúng là như vậy. Loại vắc xin tôi tiêm là P., một trong những loại vắc xin đã được Bộ Y tế công nhận cho phép tiêm chủng, ngăn ngừa căn bệnh lan tràn vào thời điểm đó.
Tôi có xem trên mạng là sau khi tiêm tự bản thân theo dõi tình hình sức khỏe và nếu có bất kỳ dấu hiệu gì không ổn phải liên hệ ngay bên y tế.
Tiêm xong tôi không hề thấy có biểu hiện nào đáng lo ngại về sốc thuốc. Chỉ là hơi nóng trong người một chút và xung quanh vùng tiêm hơi sưng và bắt đầu thấy đau. Nhưng tôi biết đây là dấu hiệu bình thường. Bởi chính lúc này thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng, hàng phòng ngự vững chắc chống lại con vi rút hình thành.
Đây như phòng tuyến huyết mạch. Bởi những người có sức khỏe không tốt như tôi thì sự hiện diện của vắc xin sẽ hỗ trợ đắc lực cho tôi tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu trước những mối nguy hiểm sẽ tốt hơn.
Tôi nhận ra mình đã khác hẳn sau khi tiêm, nhất là tâm lý. Một sự an yên đến trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Thôi nỗi thấp thỏm liệu mình có bị dương tính không, có nguy hiểm gì lắm không...
Một tuần sau khi tiêm, vết sưng đau không còn nữa. Mọi chuyện hoàn toàn bình thường như trước. Niềm vui cứ vui, yêu đời cứ yêu đời. Dẫu biết căn bệnh vẫn lờn vờn đâu đây và không ngừng biến chủng.
Phải nói là việc tiêm chủng trong giai đoạn COVID-19 hoành hành là cả vấn đề quan trọng và biết bao nhiêu là lợi ích. Nó không chỉ tốt cho cơ thể mình mà còn tác động tích cực tới người thân và mọi mối quan hệ xung quanh. Bởi biết rằng khi mình khỏe mạnh và chống vi rút tốt thì sẽ không sợ lây bệnh cho ai khác.
Tôi thấy mình may mắn vì có cơ hội được tiêm vắc xin trong giai đoạn mà mỗi giọt vắc xin quý hơn vàng. Liều vắc xin đó đã mang đến cho tôi cuộc sống vui khỏe, bình an và hạnh phúc, kéo tôi ngồi gần mọi người hơn mà không ái ngại.
Bản thân có thể tự tin nói với mọi người rằng: "Tôi đã tiêm vắc xin chống COVID-19 rồi nhé. Đừng lo khi nói chuyện cùng tôi". Rồi dịch bớt dần và giảm hẳn, những ngày chống dịch sẽ là những kỷ niệm còn mãi. Riêng với tôi, kỷ niệm ấy càng đáng trân trọng biết bao nhiêu.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Nhận xét
Đăng nhận xét