Phòng khám '5 lần 7 lượt' bị tước giấy phép vẫn vi phạm
Tước giấy phép hoạt động khám chữa bệnh 4 tháng là lần xử phạt gần nhất và nặng nhất đối với phòng khám đa khoa Nam Việt, địa chỉ 202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 (TP.HCM) vừa được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 28-8.
Lần này phòng khám đa khoa Nam Việt còn bị xử phạt 200 triệu đồng. Đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn 3 tháng. Lý do là cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn.
Tai biến sản khoa và vẽ bệnh, moi tiền"
Có trường hợp bệnh nhân tố bị "vẽ bệnh, moi tiền" gọi vào đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế cầu cứu và được giải cứu. Không chỉ vậy, phòng khám này còn tai tiếng với ca tai biến sản khoa nghiêm trọng.
Các bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương vẫn còn thót tim khi tiếp nhận ca chuyển cấp cứu từ phòng khám đa khoa Nam Việt cách đây hơn một tháng rưỡi. Đó là một thai phụ mang thai 22 tuần tuổi, nhập viện trong tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo nhiều sau nạo hút thai.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - nói nếu không được chuyển cấp cứu kịp thời, bệnh nhân này có thể tử vong bởi chảy máu quá nhiều. Khi tiếp nhận bệnh, đơn vị phải mời các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy qua hỗ trợ.
"Bệnh nhân bị thủng tử cung, thủng bàng quang, đứt niệu quản, tổn thương vùng chậu và chảy máu rất nhiều. Ngoài việc cứu sống, bệnh nhân cũng may mắn được vá phục hồi chức năng sinh sản" - bác sĩ Diễm Tuyết nói.
Trước đó vào cuối tháng 3-2023, Thanh tra Sở Y tế đã "giải cứu" một nữ bệnh nhân (22 tuổi) đến phòng khám đa khoa Nam Việt tư vấn phá thai không đau với giá 17 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thu tiền chị này bị "kê" thêm 7 triệu đồng (tổng 24 triệu đồng) phí dịch vụ. Khoản chi phí này phòng khám không nói rõ dịch vụ gì, không có hồ sơ bệnh nhân, không có biên lai thu tiền.
Thanh tra Sở Y tế sau đó đã quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong thời gian hai tháng đối với bác sĩ Nguyễn Tiến Hồng và bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, chuyên khoa ngoại. Đồng thời, xử phạt mỗi người 2 triệu đồng, phòng khám này cũng bị xử phạt 4 triệu đồng vì lập sổ khám, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định pháp luật.
Bác sĩ đang bị tước giấy phép vẫn ngang nhiên hành nghề
Đặc biệt trong danh sách xử phạt gần đây có bác sĩ Phạm Anh Tuấn (chuyên khoa sản), dù đang bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn hành nghề.
Theo dữ liệu Thanh tra Sở Y tế cung cấp, trước đó vào ngày 24-7 bác sĩ này từng bị xử phạt 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thời hạn hai tháng vì lỗi lập hồ sơ, bệnh án sai quy định.
Chưa đầy một tháng sau (21-8), bác sĩ này tiếp tục bị xử phạt 70 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 6 tháng. Đặc biệt đây là bác sĩ gây ra vụ tai biến cho bệnh nhân C.T.P.N. mang thai 22 tuần nêu trên.
"Không hội chẩn khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, sửa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin khám chữa bệnh" - kết luận của Thanh tra sở nêu.
Theo bác sĩ Diễm Tuyết, theo phân tuyến của Bộ Y tế, các bệnh viện chuyên khoa hoặc tuyến cuối có thể thực hiện kỹ thuật nạo, hút thai đến 24 tuần (thai dị tật), còn ở các phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến quận huyện, thậm chí cả bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ được phép nạo, hút, mổ thai đến 12 tuần.
"Việc các phòng khám nạo, hút thai ở tuổi thai 22 tuần là rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ xảy ra tai biến nghiêm trọng" - bác sĩ Diễm Tuyết khẳng định.
Nhận xét
Đăng nhận xét