Tin tức sáng 31-7: Việt Nam có số người mắc bệnh lao 'top' 30 thế giới; Giá gạo nhấp nhổm tăng
Việt Nam thuộc top 30 nước có người mắc bệnh lao cao nhất thế giới
Theo tin tức từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tại hội nghị sơ kết kết quả 6 tháng đầu năm 2023 trong chương trình phòng chống lao TP.HCM.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chương trình này đã thực hiện thử đàm và phát hiện 93.126 người, thu nhận 9.784 bệnh nhân lao các thể, đạt 53% chỉ tiêu kế hoạch năm.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là số bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo từ mô hình phối hợp y tế công - tư (PPM) là 3.811 bệnh nhân. Điều này cho thấy việc kiểm soát và phát hiện bệnh lao ở các đơn vị công - tư hiện đóng vai trò rất lớn.
Bên cạnh đó, chương trình vẫn còn những thách thức đó là tỉ lệ bao phủ điều trị nguồn lây còn thấp (70%), tỉ lệ điều trị thành công lao các thể chỉ 83,7% (mục tiêu ≥90%), tỉ lệ thu nhận bệnh nhân lao kháng thuốc 36,6%, tỉ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao kháng thuốc 72,2% (mục tiêu 75%).
Năm 2022 Việt Nam đã chuyển đổi cung ứng thuốc lao sang nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nhưng khi triển khai hoạt động này, một số quận, huyện cũng đang gặp vướng mắc. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng việc phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam đến năm 2030 là thách thức lớn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng mạnh so với cùng kỳ
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 7 đã khởi sắc hơn tháng trước. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế.
Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7-2023 đã tăng trở lại ở một số địa phương. Điển hình ở Bắc Ninh chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7-2023 đã tăng 23,8% so với tháng trước.
Trong khi đó, Thái Nguyên tăng 9%; Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Vĩnh Long tăng 3%; Bình Dương tăng 2,3%; TP.HCM tăng 1,9%; Long An tăng 0,8%... Ngược lại, Hải Phòng giảm 6,7%; Quảng Ninh giảm 1,9%; Hải Dương giảm 1,3%...
Như vậy, dù tình hình còn khó khăn, song đã có những tín hiệu tích cực hơn ở các địa phương trọng điểm sản xuất công nghiệp của cả nước.
22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 7 tháng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2023, có 69 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 149,2 triệu USD, giảm 52,5% so với cùng kỳ năm trước.
Có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 171,4 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320,6 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 148,6 triệu USD, chiếm 46,3% tổng vốn đầu tư.
Thông tin và truyền thông đạt 109,3 triệu USD, chiếm 34,1%. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 15,7 triệu USD, chiếm 4,9%.
Trong 7 tháng năm 2023 có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Canada là nước dẫn đầu với 150,2 triệu USD, chiếm 46,9% tổng vốn đầu tư. Singapore 109,3 triệu USD (chiếm 34,1%), Lào 26,3 triệu USD (chiếm 8,2%), Cuba 11,8 triệu USD (chiếm 3,7%), Israel 6,1 triệu USD (chiếm 1,9%).
TP.HCM: Gạo "nhấp nhổm" tăng giá
Gần 2 tuần sau lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati của Chính phủ Ấn Độ, giá gạo tại TP.HCM vẫn bình ổn, dồi dào, số ít nơi tăng giá khoảng 1.000 đồng mỗi loại.
Ghi nhận tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), chợ Phú Nhuận (Phú Nhuận), giá gạo được niêm yết phổ biến dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/kg tùy loại. Tại các siêu thị như Satrafoods, Co.opMart, Co.opxtra, Winmart…, gạo có giá từ 16.000 - 51.000 đồng/kg.
Bà Huỳnh Thị Mỹ - tiểu thương tại chợ Bà Chiểu - cho biết khoảng 1 tháng trở lại đây, giá nhập gạo tại công ty đã tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tuy giá nhập tăng, bà Mỹ cho biết vẫn giữ giá bán vì chủ yếu bà bán cho khách quen, lấy chữ tín.
Tương tự, bà Phạm Thị Phát - chủ một cửa hàng gạo nằm trên đường Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh) - cũng quyết "gồng" bán giá bình ổn dù giá nhập đã tăng khoảng 500 đồng/kg.
Trong đó, bà Phát cho biết gạo Ấn Độ đặc biệt tăng mạnh khoảng 2.000 đồng/kg nhưng cũng không có gạo để bán. "Gạo Ấn hạt dài, mảnh, khi nấu chín hạt gạo nở lớn và không dính nhau nên rất hợp làm cơm chiên, được các quán ăn ưa chuộng", bà Phát giải thích.
Bà Phát cho biết gia đình có kho lớn chứa được khoảng 100 tấn gạo, có thể bán trong 2-3 tháng nên giá hiện tại vẫn rẻ do nhập sớm. Bà chia sẻ sẽ gắng giữ giá vì tình hình kinh tế khó khăn. Nhưng cũng có một số cửa hàng đã tăng 1.000 đồng/kg theo giá mới của công ty.
23 thương hiệu hàng đầu Đài Loan sắp đến Việt Nam tiếp thị sản phẩm
23 thương hiệu hàng đầu Đài Loan được trao giải thưởng Taiwan Excellence sẽ trình làng 58 sản phẩm tốt nhất của mình đến người dùng Việt Nam. Thông tin được Hiệp hội Phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) chia sẻ khi giới thiệu về triển lãm Taiwan Excellence sắp diễn ra tại TP.HCM từ ngày 18 đến 20-8.
Theo đó, 23 thương hiệu được chia thành hai nhóm: nhóm sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (gồm những tên tuổi khá quen thuộc như: Acer, Acerpure, BenQ, GIGABYTE, MSI, Transcend, Zyxel…); nhóm sản phẩm tiện ích đời sống (AROMASE, ATUNAS, Derma Angle, FECA, Gigo Toys, SAKURA, Tokuyo, SAEKO…).
Trưởng văn phòng đại diện Trung tâm thương mại Đài Loan tại TP.HCM Karen Yu cho biết: "Sự kiện 'Khám phá cuộc sống thời thượng' là sự trở lại của chuỗi chương trình trải nghiệm thực tế của Taiwan Excellence tại Việt Nam sau 3 năm đại dịch. Sự kiện sẽ mang đến những trải nghiệm khám phá cuộc sống từ hệ sản phẩm công nghệ Đài Loan".
Nhận xét
Đăng nhận xét