"70 triệu cho 40 khoản chi"
Với những gia đình sắp chào đón thành viên mới, bài toán chi tiêu luôn là vấn đề khiến các bố mẹ đau đầu. Từ khi chuẩn bị và lên kế hoạch mang thai, các ông bố, bà mẹ đã rục rịch bảo nhau về các khoản cần phải chi suốt thai kỳ. Việc tìm hiểu sớm sẽ giúp mẹ lên được kế hoạch phù hợp với tài chính và hoàn cảnh gia đình. Nhiều người còn đùa nhau "không có gì tốn kém hơn nuôi con" cũng bởi riêng việc chuẩn bị thôi đã tốn kha khá rồi.
Mới đây, chị Huyền Trân (Luật sư và cũng là mẹ của em bé Chiêu Dương, sống tại TP HCM) đã chia sẻ toàn bộ chi phí mà chị đã sử dụng trong suốt 9 tháng 10 ngày mang bầu. Tổng các khoản lên đến 112 triệu đồng. Chị Trân có sử dụng bảo hiểm thai sản và được chi trả 100 triệu. Số tiền thực chị bỏ ra trong toàn bộ thai kỳ (bao gồm cả tiền mua Bảo hiểm thai sản) là gần 70 triệu đồng.
"Đây là toàn bộ chi phí mình đã sử dụng trong thai kỳ, các bạn có thể tham khảo để lên kế hoạch nếu như muốn có trải nghiệm giống mình nha. Dĩ nhiên là tùy điều kiện kinh tế có thể chọn những dịch vụ cao cấp hơn hoặc sử dụng các dịch vụ công để tiết kiệm chi phí hơn. Mình chia sẻ thật tình trải nghiệm của mình thôi", chị Trân tâm sự.
Đây hầu như là các khoản mà mẹ bầu nào cũng cần phải bỏ ra cho quá trình mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, tùy điều kiện mà mỗi gia đình sẽ có một cách chi tiêu cho con khác nhau. Trong quá trình chuẩn bị sắm sửa cho con, các mẹ nên phân bố chi tiêu một cách hợp lý sao cho phù hợp với tài chính và hoàn cảnh của gia đình.
Chi phí để bao nhiêu là đủ?
Tất nhiên, không có một con số nào cụ thể bởi tùy điều kiện của từng gia đình mà các khoản chi cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng con sẽ khác nhau. Dẫu vậy, các chị em đều đồng tình rằng chửa đẻ và nuôi con rất "tốn kém" bởi những lý do sau đây.
1. Chi phí trước và trong khi mang thai
Một người mẹ khỏe mạnh sẽ phải tốn ít nhất cho những khoản sau:
- Thuốc bổ, sữa bầu: Mẹ bầu cần bổ sung các thực phẩm chức năng trong suốt thai kỳ như sắt, canxi, axit folic, DHA, vitamin... để đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và bé. Việc sử dụng những loại thuốc này nên có sự chỉ định từ bác sĩ sau quá trình thăm khám.
- Khám thai: Một số dấu mốc mẹ cần quan tâm như 6 tuần, 12 tuần, 22 tuần, 32 tuần... Không cần khám quá nhiều nhưng những mốc quan trọng thì mẹ bầu nên đi khám để xác định tình hình sức khỏe của thai nhi. Với các chị em chọn gói dịch vụ sẽ theo bệnh viện ngay từ đầu, ngoài ra nếu đi khám lẻ thì cũng tốn một khoản kha khá, bao gồm cả các xét nghiệm như tiểu đường, triple test…
- Mua quần áo: Khi thai nhi ngày một lớn, mẹ cần sắm sửa những bộ quần áo hoặc những chiếc váy rộng hơn để cảm thấy thoải mái khi mặc. Vì những bộ đồ này chỉ sử dụng trong khoảng thời gian từ lúc bầu đến khi sinh xong vài tháng nên các mẹ cân nhắc để chi tiêu sao cho hợp lý.
- Tiêm chủng: Một số mũi tiêm như uốn ván hay cúm rất cần thiết cho các mẹ trong giai đoạn này (dưới sự chỉ định của bác sĩ).
2. Chi phí sinh con
Ở các bệnh viện công, một lần sinh thường tốn ít nhất từ 5-10 triệu và hơn thế nữa (đối với mẹ sinh thường mạnh khoẻ). Đối với viện tư, chi phí sẽ lớn hơn, kèm theo dịch vụ các mẹ được hưởng theo từng gói đăng ký. Như vậy, tùy thuộc vào việc lựa chọn mà giá thành cho việc sinh nở sẽ khác nhau.
3. Sắm đồ cho con
Chắc chắn đây là điều khiến nhiều mẹ vô cùng háo hức, và cũng tốn kha khá cho khoản này. Một số đồ dùng cần thiết như quần áo, bỉm sữa, xe đẩy, máy hút sữa, chậu tắm... Lời khuyên là hành trình nuôi con còn rất dài và tốn kém nên hãy chỉ mua những sản phẩm thực sự cần thiết thôi nhé.
4. Chi phí chăm sóc em bé
Sẽ thật tuyệt vời nếu như trong giai đoạn em bé còn nhỏ (chưa đủ tuổi đi học mẫu giáo), bạn có ông bà hỗ trợ. Lúc này chi phí chăm sóc bé sẽ không phải là gánh nặng quá lớn.
Tuy nhiên trẻ sơ sinh rất dễ ốm và trong nhà nên dự trữ sẵn một khoản tiền để nếu chẳng may cần gấp nhé.
5. Chi phí cho giáo dục
Chi phí cho giáo dục không chỉ bao gồm tiền học phí tại trường cho con (mẫu giáo, tiểu học, trung học hay đại học). Nó còn bao gồm chi phí mua đồ chơi (nếu chọn mua đồ chơi phù hợp sẽ có tác dụng tích cực trong việc giáo dục con), chi phí mua sách (đọc sách giúp con phát triển rất tốt – tất nhiên mẹ cần bỏ tiền ra mua/thuê/mượn sách để con đọc), chi phí mua các app học phù hợp (dưới sự phát triển của công nghệ, việc học các app phù hợp sẽ giúp con học nhanh hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với Tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác) hay chi phí cho con tham gia các chương trình trại hè, các khóa học kỹ năng...
6. Các khoản khác
Đây chỉ là chi phí cho những gia đình may mắn có sức khỏe đảm bảo. Ngoài những khoản cần thiết buộc phải có như đã nêu trên thì với một số gia đình có con hay ốm, bệnh tật hoặc bất kì vấn đề nào khác thì sẽ tốn kém hơn nhiều.
Tùy điều kiện riêng của từng gia đình mà các phụ huynh sẽ chi ra khoản tiền thích hợp, tuy nhiên với các khoản trên đều rất cần thiết và không thể thiếu đối với bất kì gia đình có con nhỏ nào. Hy vọng bố mẹ có thể tham khảo để tiết kiệm giúp hành trình nuôi con trở nên dễ dàng hơn nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét