7 hành động vô tình của ba mẹ hàng ngày lại dễ khiến con cái sinh hư
Hẳn chúng ta đều biết môi trường giáo dục trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách và tương lai một đứa trẻ. Vì vậy, con cái chính là "bản sao" của bố mẹ, mọi hành động, lời nói của cha mẹ đều trở thành tấm gương cho con. Dưới đây là 7 thói quen lặp đi lặp lại của nhiều gia đình, vô hình ảnh hưởng đến tính cách trẻ lúc nào không hay.
Bố vừa về đến nhà đã nằm ra sofa nghịch điện thoại
Sau một ngày dài làm việc, trở về nhà và lướt mạng xã hội hoặc cập nhật tin tức mới nhất trên điện thoại có vẻ như là một cách vô hại để thư giãn của phần lớn những người lớn ngày nay. Nhưng nó có tác động như thế nào đối với những người xung quanh bạn – và đặc biệt là con cái của bạn?
Theo một nghiên cứu đa quốc gia mới đây cho thấy các bậc cha mẹ nhìn vào màn hình điện thoại để thư giãn có nhiều khả năng la mắng và cằn nhằn con cái hơn so với những người rời xa thiết bị của họ. Những phát hiện này đã khiến một số chuyên gia kêu gọi các hướng dẫn quốc gia về lượng thời gian sử dụng thiết bị điện thoại mà người lớn nên tham gia và nên để tâm đến.
Bố không bao giờ chia sẻ việc nhà
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cả 2 vợ chồng đều góp phần vào việc chăm sóc gia đình, đi làm và nuôi dạy con cái. Việc san sẻ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng trách nhiệm của mỗi thành viên, tăng sự kết nối và thấu hiểu nhau hơn.
Bên cạnh đó, nếu con trai thấy chỉ có mẹ là người làm việc nhà sẽ nảy sinh tư tưởng đây là công việc của phụ nữ và không tham gia vào. Lớn lên con sẽ thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại làm việc nhà cũng như không có các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống.
Mẹ phàn nàn quá nhiều
Người lớn ai cũng có nhiều căng thẳng trong cuộc sống, không thể tránh khỏi có lúc cáu kỉnh hay buồn bã. Tuy nhiên, nếu thường phàn nàn trước mặt con cái về công việc không thành công, sự bất mãn cuộc sống... họ vô tình gieo vào đầu con những áp lực cuộc sống sớm.
Cha mẹ thích phàn nàn, con cái cũng học cách kêu ca một cách vô nguyên tắc. Tính phàn nàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, khiến trẻ cảm thấy dễ bất mãn nếu có việc gì đó không như ý muốn, cũng như không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Bố dễ nổi giận khi không vừa ý
Napoleon từng nói rằng những người có thể kiểm soát được cảm xúc thậm chí còn giỏi hơn cả những vị tướng giành chiến thắng. Ngược lại, những người không thể kiểm soát cảm xúc của mình thực sự tệ hại: làm mọi việc không lường đến hậu quả, dựa vào cảm xúc để kiểm soát mọi hành vi, làm tổn hại chính mình và tổn thương người khác.
Việc quản lý cảm xúc thực tế là biểu hiện quan trọng trong sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến việc bé có được các mối quan hệ giữa các cá nhân tốt và một tinh thần lành mạnh trong tương lai hay không. Một người bố hay nổi giận, quát mắng con cái vô lý chắc chắn cũng sẽ hình thành tính cách không tốt cho con trong tương lai.
Cha mẹ nuông chiều trẻ quá mức
Nuông chiều con quá mức, còn được gọi là "nuôi dạy con cái trực thăng", là khi cha mẹ dành cho con quá nhiều sự quan tâm, quà tặng và đặc quyền.
Những cha mẹ có xu hướng quá nuông chiều con thường không coi trọng kỷ luật. Họ cho phép con cái làm bất cứ điều gì chúng muốn. Điều này khiến trẻ trở nên hư hỏng và hay đòi hỏi, đồng thời thiếu kỷ luật tự giác.
Nhìn chung, việc nuông chiều quá mức có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ vì nó khiến trẻ trở nên phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ, dẫn đến việc không có khả năng đương đầu với những thử thách trong cuộc sống và không thể chỉnh hành vi của chính mình.
Cha mẹ hay quát mắng con
Nhiều người nghĩ khi buông những lời mắng chửi cay độc, con sẽ thấy xấu hổ và biết sửa chữa. Song, đó là suy nghĩ sai lầm. Sự thiếu hiểu biết trong giáo dục con có thể gây những hậu quả khó lường.
Khi một đứa trẻ phải liên tục nghe những lời cay nghiệt từ cha mẹ, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, khó phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình mặc cảm vì nghĩ rằng mình là một đứa trẻ tồi tệ, hư hỏng như bố mẹ đã nói.
Cha mẹ hay so sánh con mình với con người khác
Hơn ai hết, con cái luôn mong muốn làm hài lòng cha mẹ và việc không đáp ứng được kỳ vọng có thể khiến chúng lo lắng tột độ. Sự so sánh có thể hạ thấp lòng tự trọng của trẻ, từ đó trẻ bắt đầu tin rằng những người khác đều tốt hơn mình.
Không ai hoàn hảo trong tất cả các lĩnh vực. Nhưng bằng cách tiếp cận tích cực và động viên trẻ mà không so sánh chúng với những đứa trẻ khác có thể giúp trẻ làm điều tốt, trở thành những cá nhân tự tin và thành công.
Nhận xét
Đăng nhận xét