Rộ tin đồn giải độc botulinum bằng nước gạo rang và gừng?
Trong khi ba trường hợp nhiễm độc tố botulinum tại TP.HCM đang nguy kịch và phải chờ thuốc giải độc botulinum để điều trị thì trên mạng xã hội lan truyền thông tin về cách giải độc chỉ bằng gạo và gừng.
Cụ thể, thông tin này được lan truyền trên mạng xã hội với nội dung: "Ngộ độc botulinum. Thời tiết nắng nóng làm thức ăn dễ bị thiu sẽ dẫn đến ngộ độc, mọi người cần chú ý.
Một bài thuốc dân gian có thể giúp ích khi ngộ độc, tiêu chảy, nôn. Gạo sống cho lên chảo rang vàng, khoảng 1 nắm nhỏ; gừng tươi: cắt mỏng 1 củ. Bỏ tất cả vào ly hoặc bình pha nước sôi, uống như trà, có thể ăn cả gạo và gừng".
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, nước gạo rang và gừng là một loại nước tốt có thể dùng được trong những ngày hè nắng nóng. Bên cạnh đó, loại thức uống này thường được sử dụng khi đau bụng, cảm mạo thông thường.
"Tuy nhiên, việc có thể giúp giải độc, ngay cả với trường hợp ngộ độc botulinum là hoàn toàn không đúng. Việc tin vào lời đồn thất thiệt và làm theo có thể dẫn tới trường hợp nhiễm độc nhưng không được điều trị kịp thời", TS Thịnh nhấn mạnh.
Bác sĩ Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện nay việc điều trị giải độc botulinum rất khó khăn, phải dùng huyết thanh kháng độc tố rất đắt tiền và thường phải nhập từ nước ngoài về.
Huyết thanh sẽ làm trung hòa độc tố giúp cho bệnh nhân bình phục. Trường hợp ngộ độc botulinum nếu không được điều trị, nguy cơ tử vong có thể lên tới 50% (số ca ngộ độc).
"Bệnh nhân khi có triệu chứng ngộ độc thực phẩm như nôn, sốt, tiêu chảy, đau bụng dữ dội, khó thở, co giật, mệt mỏi... cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Cường khuyến cáo.
Cẩn trọng với các loại thực phẩm đóng gói, hiếm khí
Theo Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn clostridium sinh ra.
Người bị ngộ độc có thể khởi phát bệnh ở 12 - 36 giờ sau ăn, nhưng dao động trong khoảng 6 - 8 ngày sau ăn.
Các dấu hiệu bệnh: nôn, buồn nôn, liệt đối xứng hai bên bắt đầu từ vùng đầu - mặt, cổ, lan dần xuống chân, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, nói khó, liệt vùng ngực - bụng, liệt 2 chân, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất nhưng người bệnh vẫn tỉnh táo.
Thịt hộp là loại thực phẩm cổ điển gây ngộ độc, do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt.
Tuy nhiên các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản... được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo đều có thể dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn gây ngộ độc.
Nhận xét
Đăng nhận xét