Điểm tiêm chủng nhà chú Út Gò Bò
Hồi đó sự hiểu biết về tác dụng, lợi ích của việc tiêm ngừa của người dân vùng sâu chưa như bây giờ, trong quá trình tiêm chủng, nhân viên y tế chúng tôi gặp muôn vàn chuyện dở khóc dở cười, có rất nhiều kỷ niệm những ngày mới triển khai chương trình.
Câu chuyện tôi kể sau đây là một kỷ niệm vui không bao giờ tôi quên trong quá trình làm việc.
Lúc đó Đội vệ sinh phòng dịch Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng - Long An có 4 anh em, chia nhau đem thuốc đi xã thiếu nhân viên y tế, đến từng nhà người dân có trẻ em để tiêm ngừa.
Tôi được phân công xã Hưng Hà. Xã có đường biên giới với nước bạn Campuchia, mới thành lập năm 1991 gồm dân ở nhiều nơi về lập nghiệp, chưa có trạm và nhân viên y tế.
Hằng tháng khi tới lịch tiêm chủng, tôi khoác lên vai thùng vắc xin chứa đầy đá lạnh, đi bộ dọc bờ kênh trải dài cả chục cây số, nhà nào có trẻ dưới 5 tuổi là lập danh sách theo dõi và vận động tiêm ngừa.
Do người dân chưa nhận thức đúng về tiêm ngừa, khi đi vận động gặp nhiều trở ngại, thậm chí có người phản ứng quyết liệt, nói những lời khó chịu. Nhưng vì nhiệm vụ, vì tương lai của trẻ tôi vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ, đói thì ăn tạm đồ ăn mang theo, tối ngủ nhờ nhà dân, sáng hôm sau đi bờ sông bên kia tiêm trở về.
Hôm đó khoảng 10 giờ sáng tôi đã tiêm tới ấp Gò Bò, xem sổ theo dõi thấy có trẻ cần tiêm mũi 2 nên tôi ghé vào. Trong nhà 3 mẹ con chị Hường, tôi mở sổ và giải thích về lịch tiêm của bé Duyên con gái út của chị, chị nói tôi ngồi đợi rồi kêu con trai lớn ra đồng kêu ông bà nội, có người tới chích ngừa cho em.
Ngồi đợi một lúc sợ mất thời gian nên tôi xin phép chị tiêm cho cháu để tôi còn đi tiêm tiếp, chị đồng ý. Tôi tiêm cho em bé xong, đang ngồi ghi phiếu tiêm ngừa để lưu lại bỗng nghe tiếng la thất thanh ở đằng sau nhà.
Tôi vội ra sau thì trời ơi, có 2 ông bà già vừa chạy vừa la từ cánh đồng về, trên tay bà lão là chiếc liềm cắt cỏ, còn ông lão cầm chiếc xẻng đào đất.
Tôi vội vàng thu xếp đồ nghề chuẩn bị chạy vì tiếng la của ông lão ngày một gần, cháu bé được tiêm vẫn còn la khóc làm tinh thần tôi bấn loạn, trước đó anh em kể chuyện nhiều lần bị người dân đe dọa ngăn cản không cho tiêm con cháu họ.
Vừa kịp bước ra đến cổng tôi bỗng nghe tiếng ông lão dõng dạc:
"Chú y tá đứng lại tôi có chuyện nói với chú". Biết là không thể đi kịp, và cũng phải một lần đối mặt để giải thích cho rõ:
- Dạ, ông kêu con, con vừa tiêm ngừa cho cháu Duyên vì cháu tới lịch tiêm mũi 2, con có hỏi ý chị Hai rồi.
- Được rồi cứ vào đây.
Ông lão vừa nói vừa dựng chiếc xẻng ngay cái chõng chỗ mọi người thường ngồi uống nước, tôi run run ngồi xuống, mắt không rời chiếc xẻng và suy nghĩ cách để ứng phó khi có chuyện xảy ra.
Thấy thái độ bình thản của ông cùng với giọng ngọt ngào của bà khi nựng bé Duyên, tôi hơi yên tâm và lấy lại bình tĩnh.
- Dạ ông kêu con có chuyện gì ạ?
- Rồi, chú cứ uống nước đi, con Hai đâu rồi, bay qua kêu mấy anh em bay đưa hết sắp nhỏ về đây để chú y tá chích luôn cho chúng nó. Để chú đi lòng vòng tội nghiệp, mà phải đưa hết, đứa nào không đưa con về chích đừng có trách tao nghe.
- Dạ thưa chú!
Một tay đưa chén nước mới rót cho tôi, một tay chú gỡ chiếc khăn rằn lau mồ hôi rồi giọng chú nhỏ lại.
- Tháng trước tôi đi làm đồng về nghe nói cháu Duyên được tiêm ngừa, còn mấy cháu nội ngoại ở kế bên mà cha mẹ nó không cho tiêm, tôi la quá trời - ông cụ nói.
Rồi ông nói thêm: "Tao già rồi tao không hiểu khoa học là cái gì hết, nhưng tao nghĩ Nhà nước đã bỏ công, bỏ sức ra để tiêm ngừa cho trẻ em, mình không phải mất tiền mất bạc gì cả, nay các chú tới tận nhà chích cho trẻ, tụi bay không cho chích là sao.
Thấy tôi lớn tiếng vậy đứa nào cũng dạ, cũng hứa sẽ cho con tiêm ngừa. Sẵn có chú tới đây chú cứ ngồi nghỉ cho khỏe, tôi cho kêu các cháu lại để chú xem chích được đứa nào thì chích".
Khỏi phải nói tôi mừng cỡ nào. Từ cái nhìn sợ sệt, cảnh giác, tôi chuyển qua nhìn chú với ánh mắt cảm phục, biết ơn. Chỉ nửa tiếng đồng hồ tôi đã lập hồ sơ và tiêm được cho gần chục trẻ, công việc bình thường tôi phải lội bộ hàng cây số mới làm được.
Quên cả đói, tôi vui mừng thu dọn dụng cụ xin phép đi tiếp nhưng ông cụ xách túi thuốc của tôi để qua một bên rồi nói.
- Chú ở đây ăn cơm, nghỉ ngơi cho lại sức hãy đi tiếp. Tôi đã bàn với bả nhà mình con cháu đông, từ nay các chú tiêm ngừa tới mình lo cơm nước để các chú ăn uống nghỉ ngơi và cho tập trung hết các cháu lại để các chú tiêm cho thuận lợi, nhà tôi rộng tôi kêu hết cả con cháu hàng xóm tới chích tại nhà tôi để các chú đỡ vất vả, chúng tôi lại vui cửa vui nhà.
Cảm thấy sự chân thật, mộc mạc của chú cộng với cái bụng bắt đầu chuyển động khi nghe từ "ăn", "uống". Bữa cơm hôm đó đông đủ con trai con gái dâu rể của chú hơn chục người. Chú nói lâu lắm rồi gia đình mới sum họp vui vẻ như vầy.
Mọi người đang chuyện trò vui vẻ bỗng chú hắng giọng kêu mọi người nghe chú nói:
"Lâu lắm rồi tao chưa được làm lãnh đạo, bữa nay tụi bay cho tao làm lãnh đạo một bữa". Rồi không kịp để mọi người đồng ý hay không, chú tiếp:
"Chú y tá cho tôi cái lịch treo ở tường, ngày nào các chú tới tiêm tập hợp con cháu lại. Thằng Ba mày là trưởng ấp, phải vận động tập trung hết trẻ tới nhà tao để các chú tiêm, vừa đỡ vất vả các chú, con cháu mình cũng an toàn hơn".
- Dạ con cảm ơn chú. Con sẽ báo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện và UBND xã từ nay sẽ lấy nhà chú làm điểm tiêm ngừa tập trung cho ấp Gò Bò. Tôi vui mừng đáp.
- Thôi mày, cảm ơn cái gì (tự nhiên chú chuyển sang kêu bằng mày, tao). Tao cảm ơn tụi bay mới đúng, nhờ tụi bay nhà tao vui vẻ, con cháu tao khỏe mạnh còn gì vui bằng, thôi đi tiêm tiếp đi, buổi chiều ở đây hay có mưa lắm đó.
Ba tháng sau mô hình "Điểm tiêm ngừa nhà chú Út Gò Bò" được triển khai ở 5 ấp của xã Hưng Hà. Chương trình tiêm chủng mở rộng của huyện nhờ đó đạt kết quả cao, riêng tôi về sau này khi làm công tác dân vận vẫn luôn nghĩ chỉ cần dân hiểu sẽ giúp hết mình.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Nhận xét
Đăng nhận xét