Nhiều người hôn mê do điều trị đái tháo đường không đúng
Những cách chữa bệnh bất thường
TS Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tuần nào khoa cũng có vài bệnh nhân đái tháo đường bị hạ đường huyết phải nhập viện.
Tuần vừa qua có 2 bệnh nhân hạ đường huyết rất nặng, phải vào cấp cứu, mà nguyên nhân rất buồn cười và cũng rất đáng sợ.
Một cụ hơn 70 tuổi, có vợ bị đái tháo đường đang điều trị bằng Diamicron. Nghi vợ được uống thuốc bổ tim nên cụ ông cũng lấy uống 2 viên D. mỗi ngày. Sau vài lần bị hạ đường huyết nhưng vẫn "tự xử" được, bước sang tuần thứ 2 cụ ông bị hôn mê nên được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, đo đường huyết chỉ là 2,0 mmol/l (bình thường từ 4,0 - 7,0 mmol/l).
Một bệnh nhân khác hơn 60 tuổi, đã được chẩn đoán đái tháo đường và đang tiêm 2 mũi insulin liều 35 đơn vị/ngày. Đến khi hết bơm tiêm insulin (vốn chỉ có thể tích là 0,3ml và 0,5ml, lấy tối đa được 30 - 50 đơn vị insulin), ông đi mua loại bơm tiêm 5ml về thay, tiêm sáng là 200 đơn vị, chiều 150 đơn vị, tức là hơn 1/3 lọ insulin.
Kết quả sau 2 mũi tiêm, bệnh nhân rơi vào tình trạng bất tỉnh, đường huyết lúc nhập viện chỉ là 1,5 mmol/l.
Rất may là cả hai bệnh nhân "đại anh hùng" này đều tỉnh lại sau khi được cấp cứu, trong đó cụ ông 60 tuổi tiêm 350 đơn vị insulin phải truyền glucose ưu trương trong hơn 2 ngày liền.
Dùng thuốc đái tháo đường là cả một "nghệ thuật"
PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu rối loạn chuyển hóa và đái tháo đường, cho biết điều nguy hiểm nhất hiện nay là nhiều người sai lầm cứ nghĩ khi bị đái tháo đường là phải sử dụng insulin, mà không hiểu không phải ai bị tiểu đường cũng dùng được insulin.
Insulin là một nội tiết tố có khả năng làm hạ đường máu, bằng cách giúp đường vào trong tế bào để sản xuất ra năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động của cơ thể. Việc dùng insulin hay không là do yêu cầu của cơ thể, hay nói cách khác đó là do tình trạng bệnh lý hiện tại của cơ thể.
Bệnh nhân đái tháo đường buộc phải dùng insulin là người được chẩn đoán đái tháo đường type 1, đái tháo đường thai nghén; đái tháo đường type 2 ở những giai đoạn đặc biệt người không béo mà gầy sút cân, có bệnh lý gan, mật, chống chỉ định với thuốc hạ đường máu, người đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, phải phẫu thuật, nhồi máu cơ tim và những người uống thuốc viên không quản lý được đường máu.
"Thậm chí khi đã có chỉ định tiêm đến một giai đoạn nhất định mà không có sự thay đổi thì gây hại rất lớn, bởi insulin là một protein, khi tiêm vào cơ thể sẽ có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu.
Tiêm insulin phải đúng liều, nếu ít hơn thì đường huyết tăng, không kiểm soát được bệnh đái tháo đường. Còn nếu quá liều sẽ gây hạ đường huyết, gặp nguy hiểm vì chỉ hạ đường huyết sau 5 phút là bệnh nhân đã có thể bị mất não, sống đời sống thực vật" - PGS Bình nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, việc sử dụng insulin được xem như một nghệ thuật trong điều trị bệnh, luôn cần có sự điều chỉnh về liều lượng, về đường tiêm truyền trong những điều kiện khác nhau, phải phù hợp với từng người và theo bệnh.
Cùng bệnh, cùng chỉ số đường huyết nhưng nghề nghiệp khác nhau cách sử dụng insulin cũng khác nhau, có những người một ngày chỉ tiêm 1 - 2 lần, nhưng có những người phải tiêm 3 - 4, thậm chí 8 lần.
Đặc biệt, đối với người già, người trẻ, phụ nữ có thai, cho con bú… việc chỉ định tiêm insulin phải được tính toán, cân nhắc tỉ mỉ trong từng thời điểm không hề đơn giản.
Chính điều này cũng đã được WHO khuyến cáo, chỉ định insulin cho bệnh nhân đái tháo đường cần có bác sĩ gia đình phải hiểu được cả thói ăn, nết ngủ của bệnh nhân bởi đơn giản nhất như ngày cuối tuần muốn ngủ dậy muộn hơn, có ngày dậy sớm hơn thì liều insulin cũng phải thay đổi.
Hơn nữa, insulin có nhiều dạng, trong mỗi ml lại có các hàm lượng 40, 80, 100 đơn vị khác nhau hoặc 1ml hỗn hợp 30-70, 50-50. 20-80… Mỗi người lại phù hợp với một loại, hoặc ở mỗi thời điểm khác nhau, nếu chỉ định không đúng, không chỉ gây kháng insulin, tiêm không có tác dụng, thậm chí còn gây phản ứng (dị ứng) tại chỗ tiêm hoặc toàn thân.
"Triệu chứng chung của hôn mê do hạ đường máu đột ngột do tiêm insulin quá liều hoặc hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu vì dùng thuốc không đủ liều là: mệt đột ngột, vã mồ hôi, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhìn mờ, kiệt sức, lả đi rồi ngất, đi vào hôn mê.
Khi bệnh nhân hôn mê cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện, cơ sở y tế để được dùng các biện pháp điều trị đảm bảo chức năng sống như: đặt nội khí quản, cho thở máy... bổ sung dịch, truyền insulin, điều chỉnh điện giải, chống huyết khối tĩnh mạch..." - PGS Tạ Văn Bình khuyên.
Nhận xét
Đăng nhận xét