Tin tức sáng 8-5: Xử nhóm 'chạy' 20 tỉ đồng để điều chuyển ông Đinh Văn Nơi
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất 4 tháng đầu 2023
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỉ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỉ USD, giảm 7,9%.
Thị trường EU đạt 13,66 tỉ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỉ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỉ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỉ USD, giảm 0,9%
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm.
Trong đó, Trung Quốc vẫn nguồn Việt Nam nhập hàng lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 33,2 tỉ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 16,7 tỉ USD, giảm 25,7%. Thị trường ASEAN đạt 13,4 tỉ USD, giảm 17,1%. Nhật Bản đạt 6,9 tỉ USD, giảm 12,8%. Thị trường EU đạt 4,38 tỉ USD, giảm 17%; Mỹ đạt 4,08 tỉ USD, giảm 11,9%.
Xét xử nhóm chi 20 tỉ đồng để "điều chuyển ông Đinh Văn Nơi"
Sáng nay 8-5, TAND tỉnh An Giang tổ chức xét xử nhóm nhóm Vũ Văn Quý và đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và tội "Đưa hối lộ" đối với Trần Trí Mãnh.
Trần Trí Mãnh là giám đốc Công ty kinh doanh dầu nhớt, phụ tùng xe gắn máy các loại, do lo sợ việc tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm của giám đốc Công an tỉnh An Giang (thời điểm đó là đại tá Đinh Văn Nơi - PV), làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, Mãnh nảy sinh ý định tìm cách tác động để điều chuyển giám đốc Công an tỉnh An Giang đi chỗ khác!
Khoảng tháng 12-2020, Mãnh gặp Đào Ngọc Cảnh là người quen từ trước, đặt vấn đề nhờ tìm người có chức vụ, quyền hạn tác động điều chuyển cán bộ.
Mãnh đưa cho Cảnh 50 triệu đồng để làm chi phí về TP Đà Nẵng để tìm gặp, bàn bạc thoả thuận với Ngô Văn Trọng là người tự giới thiệu với Cảnh có mối quan hệ rộng lớn với cán bộ cấp cao "ở Trung ương" và thỏa thuận việc nhận điều chuyển cán bộ với giá 20 tỉ đồng.
Trọng đã bàn bạc với Hoàng Thị Tâm, Vũ Văn Quý thực hiện "tác động". Cảnh biết rõ nhóm của Trọng không thể thực hiện được nhưng không ngăn cản mà đã tạo điều kiện, sắp xếp thời gian để cả nhóm gặp Mãnh để thỏa thuận việc điều chuyển cán bộ theo yêu cầu của Mãnh.
Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang, Vũ Văn Quý, Ngô Văn Trọng, Hoàng Thị Tâm và Đào Ngọc Cảnh đã có hành vi giúp sức, bàn bạc, gian dối về các mối quan hệ xã hội lớn để tạo sự tin tưởng rồi chiếm đoạt số tiền 2,3 tỉ đồng của Trần Trí Mãnh.
Giữa tháng 4 vừa qua, TAND tỉnh An Giang đã đưa vụ án này ra xét xử nhưng sau đó tạm hoãn, vì lý do sức khỏe của chủ tọa phiên tòa.
TP.HCM điều chỉnh giao thông để lắp đường ống nước sạch
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có thông báo phân luồng giao thông phục vụ xây dựng công trình lắp đặt tuyến ống cấp 1 (từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè) kể từ 10-5.
Để đảm bảo an toàn trong thời gian xây dựng, TP cấm các loại xe khách (ngoại trừ xe buýt) và xe tải đi qua các khu vực rào chắn của công trình (đoạn từ cầu Bà Chiêm đến đường Huỳnh Tấn Phát).
Lộ trình thay thế, lộ trình 1: Đường Huỳnh Tấn Phát - Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo - Nguyễn Bình.
Lộ trình 2: Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo - Nguyễn Bình. Lộ trình 3: (dành cho xe máy, ôtô, xe khách đến 16 chỗ và xe tải có khối lượng chuyên chở đến 2,5 tấn): Huỳnh Tấn Phát - Phạm Hữu Lầu - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo - Nguyễn Bình.
Gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp COVID-19, có cần đeo khẩu trang?
Hôm nay 8-5, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và Bộ Y tế sẽ phối hợp tổ chức cuộc họp, nhằm thông báo những khuyến cáo chung sau khi gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp COVID-19 trên toàn cầu.
Các vấn đề hiện còn băn khoăn là còn cần đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, đi phương tiện công cộng; Có cần chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh một số quốc gia; COVID-19 sau này có chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và người bệnh phải chi trả phí điều trị...
Trước đó, phát biểu bên lề lễ ký thoả thuận sản xuất chương trình nâng cao nhận thức cho người dân về vắc xin phòng bệnh (chương trình do Truyền hình cáp Việt Nam và Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế phối hợp), ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng hiện các vắc xin có lịch tiêm khác nhau, như cúm tiêm hàng năm, vắc xin sởi có miễn dịch dài, có người miễn dịch suốt đời...
Nhưng vắc xin COVID-19 thì sau 4-6 tháng sau mũi tiêm cuối miễn dịch giảm thấp, có thể tiêm nhắc lại, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay ông Phu cho rằng cần ưu tiên vắc xin cho người dễ có biến chứng nặng như người già, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch..., từ đó giảm được số người phải nhập viện và tránh quá tải hệ thống y tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét